GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Chức năng của văn chương

Ngày 10/12/2022 08:51:45, lượt xem: 30578

Đề bài: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,..”.
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ quan niệm trên.

 



Bài viết mẫu về chức năng của văn chương


Secnuxepki đã từng nói: “Những kết luận khoa học như những thỏi vàng chỉ lưu hành trong phạm vi nhỏ hẹp, còn tri thức từ các tác phẩm văn học như những đồng tiền nhỏ dễ dàng lưu thông, len lỏi đến với mọi người”. Thật vậy văn chương từ bao đời nay vẫn luôn thực hiện sứ mệnh cao cả của nó, cảm hóa tâm hồn độc giả, kết nối người với người, kết nối mọi thời đại, xóa nhòa đi khoảng cách lịch sử. Cũng đồng tình với điều này, trong “Cánh đồng bất tận”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có viết: “Tôi bắt đầu tin văn chương cũng làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,..”

Lời nhận định trên của Nguyễn Ngọc Tư đã gợi mở cho chúng ta về vai trò của văn chương với con người. “Lửa” là sức nóng, là thứ có khả năng làm tan chảy những bức tường thép, những vật liệu kim loại thô ráp, cứng rắn. Phải chăng sức lửa ấy chính là văn chương còn “những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên” là những suy nghĩ, tâm hồn của mỗi người. Văn chương bao giờ cũng vậy, luôn có sức mạnh diệu kì làm tan chảy những tâm hồn, những trái tim đang cằn cỗi vì những bộn bề, áp lực của cuộc sống. Người ta tìm đến văn chương như để tìm đến một cảm giác yên bình, tìm đến sự đồng cảm trong tâm hồn. Đồng thời “văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối”. Văn chương giúp con người kết nối với con người để trái tim của mọi người gần nhau hơn. Không chỉ vậy, văn chương cũng mang sự dịu dàng của nước nhưng “mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,..”. Văn chương được tạo nên từ những con chữ nhỏ nhắn nhưng lại mang sức mạnh lớn lao để cho ra đời những bài học vô giá, vượt qua những giới hạn trong cuộc sống, kết nối con người với các thời đại. Tưởng chừng rằng văn chương như lửa, như nước sẽ đối lập nhau, ấy vậy mà trong câu nói của Nguyễn Ngọc Tư, văn chương đã kết nối hài hòa mọi thứ để phá tan xiềng xích, chạm vào sâu thẳm trong trái tim người đọc để gắn kết nhân loại.

Văn học từ bao đời nay vẫn được coi là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống bởi nó lý giải những thắc mắc của loài người và đáp ứng được nhu cầu muốn khám phá, muốn chiêm nghiệm thế giới của con người. Hiện thực cuộc sống được tác giả khoác lên bằng những tấm áo nhiều màu sắc với những tình cảm chân thành, bài học đầy tính nhân văn để từ đó tác phẩm văn học mới có sức hút với bạn đọc, lay động trái tim bạn đọc và tạo ra sự kết nối, sự đồng cảm giữa tác giả - bạn đọc.

Đến với văn chương, con người như tìm lại được con người thật của bản thân, tìm về với chính mình. Dưới những lo toan của cuộc sống, con người bao giờ cũng phải dựng lên bức tường thép, mặc áo giáp để xây nên những vỏ bọc hoàn hảo nhưng khi đã thả mình vào văn chương, người ta có thể cởi bỏ tất cả những thứ đó mà vô lo vô nghĩ bởi văn chương đã tưới mát cho tâm hồn già cỗi có thêm sức sống, trái tim được rung động. Phải chăng văn chương đã thấu cái tận cùng, tâm can của con người, thấy được những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn để rồi làm tan chảy nó. Thật vậy, có mấy ai trong chúng ta đọc những vần thơ tình của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu hay nữ sĩ Xuân Quỳnh mà không có chút nào rung động, xuyến xao? Đọc những vần thơ “Sóng”, ta sẽ thấy tiếng sóng hay cũng là tiếng lòng em như thôi thúc, vỗ vào trái tim của những người tìm đến văn chương:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Bằng việc sử dụng những cặp từ đối lập “dữ dội” - “dịu êm”, “ồn ào” - “lặng lẽ”, Xuân Quỳnh đã diễn tả những trạng thái đối cực của con sóng ngoài đại dương. Khi đại dương hiền hòa, những con sóng thật êm dịu, nhẹ nhàng nhưng khi biển động sóng mạnh mang theo những phong ba bão tố. Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên nhưng cũng có những ngày bão tố. Khi yêu, người phụ nữ có thể có đủ các cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố khác nhau, lúc giận hờn trách móc lúc làm nũng đùa vui,...Tình yêu là vậy, là sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa các mâu thuẫn ấy, đối nghịch mà chuyển hóa qua lại. Sóng là em, em là sóng, tuy hai mà một luôn song hành và soi chiếu vào nhau. Sóng muốn vươn ra biển lớn, muốn thoát khỏi sông, muốn từ bỏ không gian tù túng, chật hẹp để khám phá những chân trời mới. Qua sóng, Xuân Quỳnh muốn nhấn mạnh khát vọng tìm đến tình yêu, tìm đến sự thấu hiểu của người phụ nữ. Trái tim tình yêu của người phụ nữ cũng muốn vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Đó cũng chính là thông điệp mà Xuân Quỳnh muốn gửi đến bạn đọc: hãy nghe theo trái tim, hãy để trái tim dẫn lối giúp bạn tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình và hãy dám sống là chính mình. Đọc những câu thơ ấy, hẳn chúng ta ngay lập tức muốn phá bỏ “bức tường thép” kia, muốn kết nối và lắng nghe những điều tuyệt vời từ trái tim.
M.Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”. Thật vậy, văn chương ra đời để “gắn kết những ốc - đảo - người” thành một khối. Tự bao đời nay, từ văn học dân gian cho đến văn học hiện đại, văn chương vẫn được biết đến là sợi dây kết nối người với người, mang đến những bài học đầy tính nhân văn để truyền tải tình yêu thương nhân loại. Ta bắt gặp những câu ca dao mà từ tấm bé, có lẽ ai cũng sẽ được nghe:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
hay:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, ta đã nhiều lần bắt gặp những mảnh đời cơ cực, những số phận của người nông dân trong những trang văn của Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,....Như có sức mạnh vô hình, những tác phẩm kinh điển đó đều gợi lên những cảm xúc khó quên. Đến với “Vợ nhặt”, ta biết đến một tác phẩm giàu tình yêu thương. Đó là khi một người dưng được anh cu Tràng bao dung, mang về làm vợ trong khi chính bản thân anh cũng không biết có nuôi nổi mình và mẹ hay không? Đó là khi người mẹ chồng vui vẻ đón nhận đứa con dâu xa lạ mà không một chút oán thán. Đó là anh cu Tràng quan tâm vợ từng chút một, đó là bà cụ Tứ khóc nghẹn khi lo lắng cho tương lai của hai đứa con. Đó là tình thương người của những người nghèo khổ, tình mẫu tử trong gia đình anh cu Tràng. Và rồi gấp lại những trang văn đó, càng lớn ta càng nhận ra đó chẳng phải là hình ảnh bố mẹ mình hay sao. Bố mẹ chúng ta luôn tần tảo sớm hôm, vất vả nhọc nhằn để mong những đứa con luôn được khỏe mạnh, sống hạnh phúc đủ đầy. Ước mơ của bố mẹ cũng giản đơn lắm bởi làm gì có ước mơ nào là thật sự của bố mẹ. Những ước mơ đó đều là ước mong chúng ta - những đứa trẻ mãi bé bỏng trong mắt của bố mẹ khôn lớn và thành đạt. Tình thương của bố mẹ là vậy đấy, là thứ tình cảm không có gì có thể sánh bằng, không phô trương mà kín đáo, thầm lặng. Chắc hẳn sau khi đọc xong “Vợ nhặt” nhiều bạn đọc khác sẽ “kết nối” với bố mẹ mình - những người khổ nhọc một đời, sẵn sàng làm tất cả vì con như bà cụ Tứ khiến bản thân ta thêm trân trọng, yêu thương và báo hiếu đấng sinh thành. Chẳng hạn khi khám phá những dòng tâm sự của người đàn bà trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, người đọc nhận ra những khó khăn khi làm nghề, gánh nặng mưu sinh đã vượt khỏi sức chịu đựng của con người, khiến “anh con trai cục tính hiền lành” trở thành người chồng vũ phu, độc ác, đánh vợ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Vậy từ những khối băng gắn kết phận người lại với nhau, liệu ta còn thấy anh chồng chỉ xứng đáng là nhân vật bị ghét bỏ hay không? Hay trong lòng chúng ta sẽ xuất hiện lòng trắc ẩn, sẽ cảm thấy đó là nhân vật đáng thương, sẽ cảm thấy xót xa khi con người bị biến chất trước nỗi cơ cực mà cuộc sống vùng biển mang lại?
Không chỉ vậy, văn chương phá bỏ rào cản về không gian, thời gian, mở ra bờ cõi giúp ta “kết nối” đến mọi thời đại. Văn chương như một sợi dây vô hình không có giới hạn giúp ta tìm hiểu được mọi thứ mà ta muốn. Ta có thể khám phá những vùng đất mới qua văn chương mà chưa từng đặt chân đến:
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Cột cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng”.
hay:
“Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh”.

Nói như Huỳnh Thu Phương thì văn chương giúp con người “sống nhiều cuộc đời khác nhau thông qua mối tương giao tinh thần của nhân loại”. Nó không chỉ là câu chuyện “ở đây và ngay bây giờ” mà nó còn là những thứ ở quá khứ hoặc tương lai. Đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, ta sẽ phải nổi da gà vì hậu quả khủng khiếp của chiến tranh để lại. Lịch sử, chiến tranh đau thương đã qua đi nhưng nhờ những trang văn mà chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước biết được những thiệt hại do chiến tranh gây ra, nó không chỉ đơn giản là phép cộng con số những người chết mà còn là những nỗi đau sau hậu chiến tranh. Với những người may mắn sống sót, có mấy ai không bị thương tật, không phải chịu đau đớn? Thông qua việc đọc tác phẩm ấy, hiểu biết về nỗi đau chiến tranh của bạn đọc được khai mở. Đó không chỉ là những thương tổn vật lý mà còn là nỗi ám ảnh về tinh thần, là sự băng hoại nhân tính. Ta không cần phải trải qua thời chiến khốc liệt mới nhận ra được những đau đớn ấy.

Đọc rồi ngẫm, ta thấy lời nhận định của Nguyễn Ngọc Tư thật đúng! Văn học luôn phát huy được hết sức mạnh của nó, đã, đang và sẽ đồng hành cùng con người. Nếu “lửa”, “băng”, “nước” là những yếu tố hiện hữu trong cuộc sống con người thì văn chương sẽ không bao giờ xa rời cuộc sống con người. Văn chương giúp nhân loại sưởi ấm, làm tan chảy khối băng, tưới mát tâm hồn bằng nước. Nó giúp kết nối trái tim ta, kết nối mọi người, mọi vật, mọi thời đại, làm người gần người hơn, làm người hơn, xóa nhòa đi mọi ranh giới. Tuy nhiên, văn chương chỉ thực sự phát huy hết mọi khả năng của nó nếu đó là tác phẩm chân chính. Tác phẩm đó phải là đứa con tinh thần mà tác giả thai nghén đã lâu, phải thể hiện được những giá trị chân - thiện - mĩ. Nói như nhà văn Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả nhân loại”. Nhà văn phải dùng hết thảy bút lực cùng với trí lực của bản thân để cho ra đời những tác phẩm hay nhất để nó có sức kết nối và lan tỏa với bạn đọc. Còn với độc giả, hãy cứ đọc, cứ thâm nhập bằng vốn hiểu biết của mình, hãy cứ khám phá, trải nghiệm, sống cùng tác phẩm để biết thật nhiều, hiểu thật sâu và nắm lấy sợi dây kết nối của văn chương để hòa hợp và lan tỏa.

Văn chương như một chiếc hộp diệu kỳ, là nghệ thuật nhưng lại chân thực vô cùng, lại có thể chạm vào trái tim của những người yêu nó. Người ta tìm đến nó không phải là những thứ cao siêu mà chỉ đơn giản ở đó họ tìm được cuộc đời, tìm được sự bình yên trong tâm hồn.Vì vậy, nếu cảm thấy văn chương là thứ gì đó trừu tượng, nhiều chữ thì hãy thử một lần để bản thân đắm mình, thả hồn và phiêu theo những trang văn, tin tưởng sức mạnh kì diệu mà nó mang lại như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hãy để văn chương kết nối bạn với chính con người thật của bạn, kết nối bạn với thế giới, với vạn vật bởi như cách Virginia Woolf đã nói “văn chương như một mạng nhện có thể kết nối hơi lỏng lẻo nhưng vẫn luôn kết nối với cuộc sống từ bốn góc”.

 

Để viết Văn hay hơn và dễ dàng đạt 8+, nhanh tay đăng ký đồng hành cùng chị trong khoá học LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU 2k5 nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan